Logo VIỆN PHÁP Y TÂM THẦN
TRUNG ƯƠNG BIÊN HÒA
Vietnamese English
NGHIÊN CỨU TỶ LỆ CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN
Ở NHỮNG ĐỐI TƯỢNG GIÁM ĐỊNH NỘI TRÚ GIAI ĐOẠN 2015-2016
ThsBs Lê Hoàng Vũ
BS Nguyễn Lâm Giang
BS Trang Tấn Phát
I. Đặt vấn đề
          Giám định pháp y tâm thần là một thành phần của hệ thống tổ chức giám định tư pháp, là chuyên ngành khoa học nghiên cứu khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người bệnh tâm thần ở từng thời điểm nhất định.
            Người bệnh tâm thần hay có những hành vi gây hại cho bản thân và cho người khác, làm mất trật tự an toàn xã hội nhiều khi đến mức tội phạm hình sự. Thực tế hiện nay đã có rất nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra mà người gây án mắc bệnh tâm thần hoặc giả tâm thần tương đối phổ biến và ngày càng phức tạp đòi hỏi các giám định viên pháp y tâm thần phải hết sức thận trọng trong quá trình giám định để đưa ra những kết luận đúng đắn, khách quan, trung thực, đảm bảo công bằng cho các trường hợp cần giám định pháp y tâm thần.
            Nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác giám định pháp y tâm thần, giúp cho việc giám định đảm bảo tính chính xác, công bằng, khách quan, hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho các cơ quan điều tra trong việc xét xử tội phạm, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tỷ lệ các rối loạn tâm thần ở những đối tượng được giám định nội trú tại Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nam Bộ giai đoạn 2015 - 2016” với những mục tiêu sau:
1. Xác định đặc điểm dân số học của các đối tượng được giám định nội trú tại Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nam Bộ.
2. Xác định tỷ lệ các loại rối loạn tâm thần của những đối tượng được giám định nội trú tại Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nam Bộ.
II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Địa điểm và thời gian nghiên cứu
            Chúng tôi tiến hành nghiên cứu tại phòng lưu trữ hồ sơ,Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nam Bộ trong khoảng thời gian từ tháng 01/2017 đến cuối tháng 9/2017.
2.2. Đối tượng nghiên cứu
            Tất cả những đối tượng giám định nội trú tại Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nam Bộ trong khoảng thời gian từ 01/7/2015 đến hết tháng 12/2016.
2.3. Thiết kế nghiên cứu
            Nghiên cứu hồi cứu mô tả cắt ngang.
2.4. Phương pháp thu thập số liệu
            Bộ thu thập số liệu gồm:
            - Phiếu thu thập số liệu.
            - Bộ hồ sơ giám định nội trú của những đối tượng được giám định từ tháng 01/7/2015 đến hết tháng 12/2016.
            - Bộ hồ sơ trưng cầu giám định của các đối tượng do Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Tòa án nhân dân ở địa phương cung cấp, bao gồm: Quyết định trưng cầu, biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can, lệnh tạm giam, Quyết định  khởi tố vụ án hình sự, lý lịch bị can,… và một số giấy tờ liên quan.
III. Kết quả và bàn luận
3.1. Đặc điểm dân số học
3.1.1. Tuổi
Số đối tượng có độ tuổi từ 20 - 29 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 35,1%, kế đến là độ tuổi 30 - 39 tuổi chiếm 24,0%. Chiếm tỷ lệ thấp nhất là độ tuổi ≥ 60 tuổi với 4,1%. Kết quả này tương tự nghiên cứu của Dương Văn Lương [12] và nghiên cứu của Ngô Đình Thư và cộng sự [15], đó là các đối tượng phạm tội chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 20 đến 39 tuổi.
3.1.2. Giới
Số đối tượng là nam giới chiếm tỷ lệ 91,2%  cao hơn so với nữ giới (8,8%). Tỷ lệ nam:nữ = 10,4.Theo nghiên cứu của Dương Văn Lương [12], đối tượng nam giới nhiều hơn nữ, nam:nữ = 9:1 (93,7% là nam). Theo nghiên cứu của Ngô Đình Thư và cộng sự [15], nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn nữ giới với 98%, nam:nữ = 48:1.
3.1.3. Nghề nghiệp
            Đa số các đối tượng trong nghiên cứu làm nghề lao động chân tay (chiếm tỷ lệ 52,0%). Số đối tượng lao động trí óc chiếm tỷ lệ thấp nhất (2,9%). Theo nghiên cứu của Dương Văn Lương [12], nghề nghiệp của hầu hết đối tượng là làm ruộng chiếm 49,5%.Theo nghiên cứu của Ngô Đình Thư và cộng sự [15], hầu hết các đối tượng không có nghề nghiệp chiếm 55%.
3.1.4. Trình độ học vấn
Đối tượng có trình độ học vấn cấp II chiếm số lượng lớn nhất với 64 đối tượng, kế đến là trình độ cấp I với 59 đối tượng. Số đối tượng có trình độ học vấn trên cấp III chiếm thấp nhất với 2 đối tượng. Theo nghiên cứu của Ngô Đình Thư và cộng sự [15], trình độ học vấn cấp I và cấp II chiếm tỷ lệ đa số với 57,1%; trình độ đại học chiếm thấp nhất với tỷ lệ 4,1%. Theo nghiên cứu của Ngô Văn Vinh và cộng sự [18], trình độ học vấn Trung học cơ sở chiếm đa số với tỷ lệ 43,64%.
3.1.5. Nơi ở
Đa số các đối tượng giám định có nơi ở là nông thôn (chiếm tỷ lệ 77,8%). Tỷ lệ nông thôn:thành thị = 3,5.
3.2. Chuyên môn
3.2.1. Vụ án, vụ việc
Phần lớn các đối tượng trong nghiên cứu có liên quan đến vụ án "Cố ý gây thương tích" và "Trộm cắp tài sản" (cùng chiếm tỷ lệ 21,6%). Theo nghiên cứu của James Higgins, phần lớn đối tượng được giám định pháp y tâm thần là bị can trong vụ án "Cố ý gây thương tích" với tỷ lệ 31,3%[25]. Như vậy, nghiên cứu của chúng tôi có kết quả tương tự với nghiên cứu của tác giả James Higgins (1994).
3.2.2. Tiền án, tiền sự
            Hầu hết các đối tượng trong nghiên cứu không có tiền án, tiền sự (chiếm tỷ lệ 84,8%).
3.2.3. Nhóm bệnh được chẩn đoán (tại thời điểm phạm tội/xảy ra vụ việc)
            Theo kết quả của bảng số liệu trên, số đối tượng không bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất với 43,9%, đứng thứ hai là nhóm bệnh F7x với tỷ lệ 15,8%. Số đối tượng thuộc nhóm bệnh F9x chiếm tỷ lệ thấp nhất với 0,6%. Theo nghiên cứu của Dương Văn Lương [12]: phần đông các đối tượng có mắc bệnh chiếm tỷ lệ 95,77%. Trong đó, nhóm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất là F2x với 42,6%, đứng thứ hai là nhóm F0x với 11,48%, đứng thứ ba là nhóm G40 - G47 với 10,27%.
3.2.4. Khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (tại thời điểm phạm tội/xảy ra vụ việc)
            Phần lớn đối tượng trong nghiên cứu được kết luận là "Đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi" tại thời điểm phạm tội/xảy ra vụ việc (tỷ lệ 53,8%). Không có đối tượng nào được kết luận là "Đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi". Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Vinh và cộng sự [18]: đa số các trường hợp trưng cầu bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi ở thời điểm phạm tội (chiếm 59,96%).
3.2.5. Nhóm bệnh được chẩn đoán (thời điểm hiện tại)
            Vào thời điểm hiện tại: phần lớn các đối tượng trong nghiên cứu được chẩn đoán là không bệnh với tỷ lệ 21,6%, đứng thứ hai là nhóm bệnh F0x chiếm 18,1%.
3.2.6. Khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (thời điểm hiện tại)
            Vào thời điểm hiện tại: đa số các đối tượng được kết luận là "Hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi" với tỷ lệ 61,4%. Không có đối tượng nào được kết luận là “Đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi”.
3.2.7. Bệnh chính được chẩn đoán
Tại thời điểm phạm tội/xảy ra vụ việc: số đối tượng được chẩn đoán là không bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất với 43,9%, kế đến là bệnh chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ - F70 với tỷ lệ 11,7%.
            Thời điểm hiện tại: số đối tượng được chẩn đoán không bệnh vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 21,6%, đứng thứ hai là bệnh rối loạn nhân cách và hành vi do bệnh não, tổn thương và rối loạn chức năng não - F07 với tỷ lệ 16,4%.
3.2.8. Số ngày giám định trung bình
Số ngày giám định trung bình của các đối tượng thuộc nhóm bệnh F0x là lớn nhất với 26,4 ngày. Số ngày giám định trung bình của các đối tượng thuộc nhóm bệnh F9x là nhỏ nhất với 19,1 ngày.
IV. Kết luận
4.1. Đặc điểm dân số học
            Các đối tượng hình sự được phân bố đều ở tất cả các nhóm tuổi trong nghiên cứu. Tuổi trung bình là 33,3 ± 13,1 tuổi, nhỏ nhất là 12 tuổi, lớn nhất là 76 tuổi. Số đối tượng trong nhóm tuổi 20 - 29 chiếm tỷ lệ cao nhất với 59,1%. Hầu hết các đối tượng là nam giới chiếm 91,2%, tỷ lệ nam/nữ = 10,4. Phần lớn đối tượng làm nghề lao động chân tay (52,0%), có trình độ học vấn cấp I và cấp II là chủ yếu (64,9%).
            Đa phần các đối tượng sống ở nông thôn chiếm 77,8 %, tỷ lệ nông thôn/thành thị = 3,5:1. Trong đó, thường gặp những đối tượng có địa chỉ thường trú tại Kiên Giang và Đồng Tháp.
4.2. Đặc điểm chuyên môn
            Phần lớn các đối tượng trong nghiên cứu có liên quan đến vụ án, vụ việc là "Cố ý gây thương tích" (tỷ lệ 21,6%) và "Trộm cắp tài sản" (tỷ lệ 21,6%).
            Hầu hết các đối tượng không có tiền án, tiền sự, chiếm 84,8%.
            Nhóm bệnh được chẩn đoán: tại thời điểm phạm tội/xảy ra vụ việc: 43,9% các đối tượng trong nghiên cứu không mắc các bệnh lý về tâm thần. Trong số 56,1% còn lại, thường gặp những đối tượng thuộc nhóm bệnh chậm phát triển tâm thần (F7x - tỷ lệ 15,8%), nhóm bệnh loạn thần nguyên phát (F2x - tỷ lệ 11,1%). Vào thời điểm hiện tại: phần lớn các đối tượng không bệnh, chiếm tỷ lệ 21,6%, kế đến là nhóm bệnh F0x (18,1%) và nhóm bệnh F7x (15,8%)
            Khả năng nhận thức và điều khiển hành vi: tại thời điểm phạm tội/xảy ra vụ việc: phần lớn các đối tượng trong nghiên cứu được kết luận “Đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”, chiếm tỷ lệ 53,8%. Vào thời điểm hiện tại, phần lớn các đối tượng được kết luận "Hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi" với tỷ lệ 61,4%.
            Bệnh chính được chẩn đoán: tại thời điểm phạm tội/ xảy ra vụ việc: số đối tượng được kết luận là Không bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất với 43,9%. Vào thời điểm hiện tại: phần lớn các đối tượng được kết luận là Không bệnh chiếm tỷ lệ 21,6%.
            Số ngày giám định trung bình chung: 21,8 ± 6,2 ngày. Ngắn nhất: 14 ngày, dài nhất 38 ngày.
V. Kiến nghị
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục, giúp người dân nắm rõ hơn về bệnh tâm thần, các loại tội phạm, những yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội để mọi người biết cách phòng tránh và có những biện pháp xử trí kịp thời.
            Quản lý, chăm sóc và điều trị (nếu cần thiết) chặt chẽ hơn những đối tượng bị chậm phát triển tâm thần để họ không gây ra những hành vi phạm tội.
            Quản lý tốt, chặt chẽ hơn những bệnh nhân động kinh, tâm thần phân liệt tại địa phương. Thường xuyên khám sức khỏe tâm thần cho người dân ở địa phương nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp mới mắc bệnh động kinh hoặc tâm thần phân liệt để có hướng điều trị thích hợp, phòng tránh những hành vi phạm tội mà họ có thể gây ra.
            Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục kiến thức về tác hại của rượu bia, các chất ma túy để người dân hiểu biết rõ hơn, đồng thời ngăn chặn, khắc phục những hậu quả mà chúng có thể gây ra, đặc biệt là những hành vi phạm tội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Bài giảng Lâm sàng Tâm thần học, Lớp định hướng chuyên khoa Tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II.
  2. Bài giảng Tâm thần học, Bộ môn Tâm thần, trường Đại học Y Dược TPHCM.
  3. Bài giảng Tâm thần học, Bộ môn Tâm thần, trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
  4. Bài giảng Tâm thần học, Bộ môn Tâm thần, trường Đại học Y Khoa Thái Nguyên.
  5. Bài giảng Tâm thần học, Lớp định hướng chuyên khoa Tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II.
  6. Bộ luật hình sự nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  7. Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  8. Trần Văn Cường (1996), “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và các yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội ở bệnh nhân tâm thần phân liệt trong giám định pháp y tâm thần”, Luận án phó tiến sĩ khoa học y dược.
  9. Trần Văn Cường, Ngô Văn Vinh (2014), “Nghiên cứu một số trường hợp chậm phát triển tâm thần gặp trong giám định pháp y tâm thần”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
  10. Giáo trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.
  11. Giáo trình Tội phạm học, trường Đại học Luật Hà Nội, NXB công an nhân dân, Hà Nội 2012.
  12. Dương Văn Lương (2003), “Nghiên cứu cơ cấu bệnh tâm thần và một số yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội trong giám định pháp y tâm thần”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
  13. Lê Công Minh (2014), “Hành vi và thay đổi hành vi”, NXB Trẻ TP.HCM, tr. 1-16.
  14. Thông tư 18/2015/TT-BYT Ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần.
  15. Ngô Đình Thư, Tôn Thất Hưng, Nguyễn Ngọc Thượt, Hoàng Thị Anh Đào, Nguyễn Khoa Thanh Sơn, Nguyễn Thị Thanh Nở (2010), “Nghiên cứu tỷ lệ các rối loạn tâm thần và một số yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội ở bệnh nhân tâm thần giám định nội trú”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Bệnh viện Tâm thần Huế.
  16. Nguyễn Việt (1992), “ICD-10”, NXB Y học Hà Nội.
  17. Ngô Văn Vinh (2009), “Nghiên cứu yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội ở bệnh nhân động kinh trong giám định pháp y tâm thần, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương.
  18. Ngô Văn Vinh, Dương Văn Lương và cộng sự (2010), “Phân tích kết quả 472 trường hợp giám định tại Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương.
  19. Alexandre Martin Valenca (2014), “Relationship between homicide and mental disorders”,Center for Medical Sciences, 53 (6), pp. 489 - 496.
  20. A.N. Lêônchiev D.B Enchonin 1975, “ Needs and motive in Psychology,  2nd Edition, pp. 14 - 19.
  21. Corrigan, P.W., Rowan, D., Green, A., et al. (2002), “Facts About Mental Illness and Violence”,Schizophrenia Bulletin, 28, pp.  293-309.
  22. Gutheil TG (2004), “Forensic psychiatry as a specialty”, Psychiatric Times, 21st Edition, pp. 1 - 6.
  23. Harvey A. Whiteford, William J. Buckingham, Meredith G. Harris, Philip M. Burgess, Jane E. Pirkis, MPsych, Jan J. Barendregt and Wayne D. Hall (2014), “Estimating treatment rates for mental disorders in Australia”, Australian Health Review, pp. 80-85.
  24. Heila et a (1997), “Schizophrenia and Poverty, Crime and Violence”, American J. Psychiatry ,154, pp. 1235-1242.
  25. James Higgins (1994), “Forensic aspects of psychiatric disorder”, Crime and mental disorder, 3rd Edition, pp. 1 - 35.
  26. John M.Grohol (2011), “Medical statistics of Mental illness”, Archives of General Psychiatry, 62 (6), pp. 593-602
  27. K.S.Sengar (2012), “Models of Mental illness”, Conference Hall, pp. 3-36.
  28. Ken Duckworth (2013), “Mental illness facts and numbers”, National Alliance on Mental illness.
  29. Lee Jong-wook (2013), “Investing in Mental health”, Department of Mental Health and Substance Dependence, W.H.O.
Đềtài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở 2017
Share with friends